Backgroup Default
Thứ năm, 2/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  31/01/2024, Lượt xem: 333

Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng.
Liệt mặt là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách.
Nhận biết sớm liệt mặt
Bệnh thường khởi phát đột ngột với liệt nửa mặt sau khi ngủ dậy, người bệnh cảm giác tê bì nửa mặt, nhìn vào gương thấy liệt nửa mặt hoặc khởi phát sau thay đổi thời tiết đột ngột.
Các triệu chứng xảy ra đột ngột với các dấu hiệu mặt bị xệ, hơi cứng khác thường, miệng méo sang một bên, uống nước bị trào ra ngoài. Liệt cơ khép vòng mi khiến mắt phía bên mặt bị liệt không nhắm kín được.
Một vài trường hợp cảm thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt. Người bệnh khó cử động, khó cười nói, đau trong tai, nhức đầu. Mất vị giác, nước mắt, tăng lượng nước bọt trong miệng khi nói chuyện hoặc ăn uống.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, các bác sĩ cần khám tai mũi họng, thần kinh, chụp cộng hưởng từ và làm xét nghiệm máu để loại trừ tổn thương do liệt dây VII trung ương và các bệnh lý khác.
Trong một số trường hợp như bệnh nhân đã bị liệt lâu ngày, liệt nhẹ khó phân biệt được liệt mặt kiểu trung ương hay ngoại biên. Những trường hợp này thường sử dụng điện cơ hoặc MRI não để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây liệt mặt.

Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII có thể xảy ra ở mọi đối tượng

Điều trị liệt mặt do liệt dây thần kinh số VII
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Trước tiên là chỉ định điều trị nội khoa, người bệnh liệt dây thần kinh số VII sẽ được sử dụng corticoid sớm, liều cao (1mg prednisolon/kg). Ngoài ra, có thể dùng các thuốc chống vi rút đặc biệt cho những trường hợp có bệnh cảnh nhiễm vi rút hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
Để điều trị hiệu quả liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, cần kết hợp điều trị vật lý trị liệu hoặc kích thích điện cùng với các bài tập cơ mặt sẽ mang đến hiệu quả điều trị toàn diện cho người bệnh. Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, nên điều trị ngay sau khi phát hiện bệnh.
Vật lý trị liệu trong điều trị liệt mặt vô cùng quan trọng, nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị càng sớm càng tốt, người bệnh sẽ mau khỏi. Tránh các kích thích mạnh, không bao giờ cố điều trị cho hết liệt mặt trong giai đoạn cấp của bệnh (vì sẽ làm trương lực cơ tăng gây co cứng).
- Ở giai đoạn liệt mặt cấp tính (từ 3 ngày – 1 tuần) điều trị giúp tăng tuần hoàn, phòng biến dạng mặt. Vật lý trị liệu có thể dùng nhiệt ấm, xoa bóp cử động nhẹ nhàng tránh kích thích mạnh, giảm nói. Người bệnh nên đeo kính râm, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, dùng băng dính che mắt tạm thời để tránh bụi, dị vật gây tổn thương mắt.
- Phục hồi chức năng giai đoạn liệt mặt sau 1 tuần hoặc mạn tính, việc điều trị giúp tăng cường trương lực cơ, phục hồi cơ mặt bị teo, điều trị co cứng cơ mặt, tăng cường tuần hoàn, tiếp tục phục hồi chức năng giao tiếp, giữ gìn vệ sinh răng, miệng.
Vật lý trị liệu có thể dùng nhiệt nóng, điện xung, điện phân, xoa bóp. Tập các cơ mặt qua các bài tập từ chủ động trợ giúp đến đề kháng. Người bệnh tự tập qua gương: Nhắm mắt huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, mỉm cười, nhăn trán, phát âm những từ có âm môi: B, P, U, I, A,…
Ngoài chú ý đến dùng thuốc và vật lý trị liệu theo hướng dẫn của các bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu, người bệnh cần phải chú ý thăm khám định kỳ cho đến khi hết triệu chứng để đánh giá kết quả điều trị, điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần và để phát hiện các biến chứng của liệt mặt. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo, tránh nguy hại đến sức khỏe.
Để phòng bệnh liệt mặt
Liệt mặt ngoại biên là vấn đề hay gặp, nhất là vào mùa lạnh. Vì vậy, việc phòng tránh là vô cùng quan trọng. Cần nâng cao sức đề kháng bằng cách: Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao điều độ, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, tăng cường rau xanh, vitamin.
Khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang, không nên tiếp xúc đột ngột với nước lạnh hay lạm dụng quạt máy, máy lạnh. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh; còn vào mùa nắng nóng khi sử dụng quạt, điều hòa,... không nên để luồng khí lạnh trực tiếp vào người, nhất là sau gáy.
Nếu đi ngoài đường quá lạnh hoặc mắc mưa, thì khi về nhà cần lau khô người và uống một ít nước ấm như nước gừng, lấy tay xoa đều vùng mặt để làm ấm mặt…

BS. Nguyễn Thị Bích
Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan