Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  02/12/2024, Lượt xem: 113

Xẹp đốt sống đến từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp nhất là do thoái hóa. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng chủ yếu là người lớn tuổi. Xẹp đốt sống cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây đau đớn, biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Loãng xương hay còn gọi là xương xốp đặc trưng bởi sự giảm cấu trúc của xương do sự sụt giảm khối lượng xương và suy thoái của cấu trúc xương. Sự vững chắc của xương là kết quả của sự cân bằng tinh tế giữa 2 loại tế bào xương là tạo cốt bào – làm cứng xương và hủy cốt bào - hủy xương (chịu trách nhiệm cho sự tái hấp thu xương) và khi hủy cốt bào mạnh hơn tạo cốt bào sẽ làm suy yếu xương.
Nguyên nhân gây loãng xương
Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Ngoài ra, một số tác động sau cũng có khả năng gây bệnh như: Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Ở nam giới nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như: Calci, vitamin D, omega - 3...không cung cấp đủ lượng calci cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy yếu xương khớp sớm.
Tác dụng phụ của thuốc do sử dụng thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… đều có thể dẫn tới tình trạng xương khớp suy yếu.
Những chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá là các tác nhân gây hại, thúc đẩy và làm suy yếu hệ thống xương khớp.
Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp cao hơn người bình thường.

Loãng xương thường không có triệu chứng cho đến khi có biến chứng gãy xương

Biểu hiện của loãng xương
Loãng xương thường không có triệu chứng cho đến khi có biến chứng gãy xương. Bệnh nhân bị xẹp đốt sống cấp tính có thể khởi phát đau lưng đột ngột khi hắt hơi, ho, nâng vật nặng hoặc thay đổi tư thế. Các biểu hiện lâm sàng khác bao gồm: Giảm chiều cao do xẹp đốt sống. Có thể được chẩn đoán tình cờ (hầu hết xẹp đốt sống liên quan đến loãng xương được chẩn đoán ở bệnh nhân chụp X-quang vì các nguyên nhân khác).
Biểu hiện của xẹp đốt sống do loãng xương
Loãng xương thường diễn biến âm thầm trong nhiều năm và gãy xương thường là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Người cao tuổi hoặc bệnh nhân loãng xương cần cảnh giác với các triệu chứng của xẹp đốt sống, để tránh bỏ sót và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Xẹp đốt sống do loãng xương có thể gây nên triệu chứng và những di chứng sau đây:
- Đau lưng dữ dội tương ứng với vị trí đốt sống bị xẹp sau những chấn thương nhẹ (ngã ngồi, vặn mình…) hoặc thậm chí xuất hiện một cách tự nhiên.
- Hạn chế chức năng vận động: Có bệnh nhân không thể ngồi dậy, không thể đi lại hoặc rất khó khăn trong cử động do đau lưng.
- Nếu sau hơn 2 tháng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn đau mạn tính, nhức nhối triền miên, ảnh hưởng chức năng vận động trầm trọng.
- Rối loạn chức năng đại, tiểu tiện cơ năng: Thường nguyên nhân gây rối loạn là do bệnh nhân đau quá, nằm bất động lâu ngày hoặc tâm lý xấu hổ, ngại đi vệ sinh trong tư thế nằm.
- Với trường hợp đốt xẹp gây gù cột sống, chèn ép thần kinh tủy sống, nhiều bệnh nhân có thể bị tê liệt 2 chân, rối loạn chức năng đại tiểu tiện thực thể.
- Càng về sau người bệnh có thể gặp các biến dạng cột sống nghiêm trọng (ví dụ: Mất chiều cao, cong vẹo cột sống, gù lưng, còng lưng…)
- Đau vùng xương sườn mạn tính do xương sườn tỳ vào khung chậu trong trường hợp gù cột sống nghiêm trọng.
- Mất khả năng tự chăm sóc bản thân, hay các hoạt động thông thường ban ngày.
- Giảm dung tích phổi, dẫn đến khó thở mạn tính.
- Mất cảm giác thèm ăn, lo âu, trầm cảm, mất ngủ…
Lời khuyên thầy thuốc
Tùy thuộc vào mức độ đốt sống bị xẹp, các tổn thương thần kinh kèm theo (nếu có) mà có các phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa,
Các phương pháp điều trị: Bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống qua da dùng cho các trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương không kèm theo tổn thương thần kinh, mức độ xẹp thân đốt sống <75% đã điều trị nội khoa không cải thiện. Phẫu thuật cố định cột sống điều trị các trường hợp xẹp đốt sống nặng gây biến dạng cột sống lớn có thể kết hợp với giải chèn ép thần kinh khi có tổn thương thần kinh kèm theo.
Tóm lại: Xẹp đốt sống hay lún đốt sống là tình trạng thân đốt sống không giữ được chiều cao vốn có, gây tổn thương vùng cột sống và những cơn đau dữ dội cho người bệnh. Lún xẹp đốt sống có liên quan đến yếu tố tuổi tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh có thể làm tăng nguy cơ gãy đốt sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động, thậm chí là tuổi thọ của người bệnh. Vì vậy, đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện điều độ. Đồng thời bổ sung các khoáng chất giàu vitamin D, calci và vitamin khác. Ăn uống cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện loãng xương hoặc các bệnh lý cột sống để điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Minh Dương
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan