Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  02/12/2024, Lượt xem: 100

Để điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt, ngoài các biện pháp nội khoa và ngoại khoa, các bài tập và xoa bóp bấm huyệt cũng đóng góp đáng kể trong việc hỗ trợ điều trị triệu chứng và cải thiện tâm trạng.
1. Lợi ích của các bài tập và xoa bóp bấm huyệt với hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt là hội chứng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra như: Do dây thần kinh sinh ba (dây V), đau dây thần kinh IX, X được đặc trưng bởi các cơn đau tại vùng sọ mặt.
Các bài tập và xoa bóp bấm huyệt là cách hiệu quả để giảm đau và giảm cảm giác khó chịu từ việc giúp cơ thể tăng sản xuất và giải phóng các chất giảm đau tự nhiên như: Endorphin.
Theo Đông y, các phương pháp này cũng giúp khí huyết lưu thông, mà "thông tắc bất thống", giúp làm dịu các cơn đau dây thần kinh hoặc đau do căng cơ.
Các bài tập vận động và xoa bóp bấm huyệt giúp thư giãn cơ bắp, giảm căng cứng cơ, cải thiện tuần hoàn máu ở vùng đầu mặt, giúp đưa nhiều oxy và dưỡng chất hơn đến vùng đau, từ đó cũng giúp giảm đau.
Trong một số trường hợp hội chứng đau nhức vùng sọ mặt bị kích thích bởi căng thẳng tinh thần, các bài tập cùng việc xoa bóp bấm huyệt giúp ổn định tâm trí, giảm các triệu chứng đau đầu, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.

Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có thể được cải thiện triệu chứng khi thực hiện tập luyện, xoa bóp

2. Một số bài tập cho người mắc hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Bài tập hít thở sâu và thư giãn
Người bệnh mắc hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có thể nằm hoặc ngồi thoải mái, thực hiện hít vào từ từ, giữ hơi thở rồi thở ra từ từ, thực hiện hít thở sâu, đều đặn trong ít nhất 5-10 phút.
Bài tập này sẽ giúp hỗ trợ thư giãn hệ thần kinh, giảm căng thẳng tinh thần và đặc biệt hiệu quả trong việc giảm đau khi người bệnh đang phải đối diện với những cơn đau nhức vùng sọ mặt.
Bài tập kéo giãn cơ mặt và hàm
Người bệnh khép miệng, đặt lưỡi ở sau hàm trên, sau đó nhẹ nhàng mở hàm ra hết mức có thể, giữ trong 5-10 giây, rồi từ từ khép miệng lại.
Người bệnh cũng có thể kết hợp bài tập này với việc mát xa nhẹ nhàng vùng hàm. Đây là bài tập giúp thư giãn cơ hàm, giảm căng cứng và đau nhức.

Kéo giãn cơ mặt và hàm giúp người bệnh mắc hội chứng đau nhức vùng sọ mặt giảm căng cứng, giảm đau

Bài tập giãn cơ cổ
Người bệnh ngồi hoặc đứng thẳng với hai vai thả lỏng, từ từ nghiêng đầu, cố gắng chạm tai vào vai mà không nhấc vai lên, làm đến khi các cơ cổ giãn hết mức thì giữ nguyên vị trí trong khoảng 20 giây rồi từ từ trở lại vị trí ban đầu; thực hiện tương tự với bên còn lại.
Bài tập được thực hiện bằng cách làm luân phiên từng phía trái, phải, lặp đi lặp lại khoảng 15-20 lần. Đây là bài tập giúp giãn cơ cổ, cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau vùng cổ và đầu.
Bài tập xoay vai và cổ
Người bệnh ngồi hoặc đứng thẳng, thực hiện xoay vai về phía trước 10-15 lần rồi xoay về phía sau 10-15 lần. Tiếp theo thực hiện hiện xoay đầu từ trái sang phải rồi từ phải sang trái, thực hiện 10-15 lần.
Lưu ý cần giữ hơi thở đều và không nên làm quá nhanh. Bài tập này sẽ giúp giảm căng thẳng, giảm đau vùng cổ và vai, cải thiện tuần hoàn.
Bài tập giãn cơ toàn mặt
Người bệnh đặt các ngón tay ở giữa trán, sau đó từ từ vuốt về phía thái dương rồi kéo xuống hàm. Thực hiện lặp lại nhiều lần với lực tay nhẹ nhàng trong 5-10 phút.
Đây là bài tập nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả trong việc giảm đau nhức vùng trán và hàm.
Bài tập cho mắt
Người bệnh nhắm mắt, dùng ngón tay nhẹ nhàng xoa vùng dưới mắt và tại vùng hốc mắt. Bài tập này sẽ giúp giảm căng thẳng vùng quanh mắt, trán, hỗ trợ giảm đau do căng thẳng mắt.
3. Một số huyệt vị có thể sử dụng trong điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Châm cứu Đông y là một phương pháp điều trị được đề xuất trong điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt. Nếu như không có điều kiện châm cứu, việc tự xoa bóp bấm huyệt cũng giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh một cách đáng kể.
Dưới đây là một số huyệt vị có thể sử dụng để day ấn trong điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt.
Huyệt ấn đường
Vị trí: Ở giữa hai đầu lông mày, ngay trên sống mũi.
Tác dụng: Giảm căng thẳng, làm dịu đau đầu và giảm mệt mỏi mắt.
Huyệt thái dương
Vị trí: Nằm ở hai bên thái dương, ở vị trí lõm nhỏ phía cuối chân mày, vị trí giao giữa chân mày và đường kéo dài của đuôi mắt.
Tác dụng: Giảm đau đầu, giảm căng cơ vùng thái dương.
Huyệt nghinh hương
Vị trí: Ở hai bên cánh mũi, ngay cạnh rãnh mũi-má.
Tác dụng: Giảm đau nhức vùng mặt, đặc biệt là đau quanh xoang mũi.
Huyệt giáp xa
Vị trí: Cắn chặt răng lại, huyệt ở chỗ cơ cắn nổi lên cao nhất. Khi không cắn vị trí này sẽ lõm xuống, ấn vào có cảm giác ê tức.
Tác dụng: Giảm căng cơ hàm và đau nhức vùng hàm.

Vị trí huyệt giáp xa trên cơ thể

Huyệt phong trì
Vị trí: Chỗ hõm phía sau mang tai, bờ ngoài cơ thang, bờ trong cơ ức đòn chũm, sát đáy sau hộp sọ.
Tác dụng: Giảm đau đầu, đau cổ và căng thẳng vùng gáy.
Huyệt suất cốc
Vị trí: Trên tai 1,5 thốn.
Tác dụng: Giảm đau đầu, nhức mỏi vùng đỉnh đầu và trán.
Huyệt hợp cốc
Vị trí: Nằm giữa ngón cái và ngón trỏ, ở vùng cơ gồ lên khi khép hai ngón tay này lại.
Tác dụng: Chuyên trị các bệnh lý vùng đầu mặt và miệng, giảm đau nhức, căng cứng ở mặt, hàm và các cơ xung quanh mắt, thái dương.
4. Một số lưu ý khi tập luyện và xoa bóp bấm huyệt đối với người mắc hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
- Vùng mặt và đầu của người mắc hội chứng đau nhức vùng sọ mặt tương đối nhạy cảm, vì vậy trong khi vận động, day ấn không nên thực hiện quá mạnh, nên thực hiện từ từ, nhịp nhàng. Lực ấn khi ấn huyệt cũng chỉ nên vừa phải, khiến người bệnh có cảm giác hơi căng tức là được.
- Không nên tập các bài tập hay xoa bóp bấm huyệt khi mệt mỏi hoặc sau khi ăn no.
- Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi thực hiện việc mát xa, xoa bóp bấm huyệt, đặc biệt khi cảm thấy cơn đau trở nên trầm trọng hơn.

BS. Nguyễn Huy Hoàng
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan