Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  19/11/2024, Lượt xem: 88

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây tử vong rất cao. Tuy nhiên, bệnh ung thư có thể được phòng chống nhờ việc điều chỉnh lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học.
Dưới đây là những biện pháp giúp phòng chống ung thư hiệu quả.
1.Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Tăng cường rau củ, trái cây, ngũ cốc và các loại hạt, hạn chế thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn. Theo kết luận trong báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thì ăn một lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý giúp ngăn ngừa béo phì bằng cách ăn nhẹ hơn, giảm các loại thức ăn nhiều calo, hạn chế đường – đặc biệt là đường fructose và chất béo có nguồn gốc từ động vật. Hãy sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, ăn nhiều cá thay cho các loại thịt đỏ.
2. Thường xuyên tập thể dục, duy trì cơ thể cân đối
Tập thể dục thường xuyên không những giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe mà còn giúp chúng ta có một cơ thể cân đối, hạn chế được những nguy cơ bệnh tật. Nên tập thể dục thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày. Đồng thời nên hạn chế ngồi quá lâu một chỗ, tăng cường vận động. Hoạt động thể chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, duy trì cơ thể cân đối, phòng ngừa ung thư.
Việc thường xuyên tập thể dục giúp chúng ta kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì. Người béo phì thì có nguy cơ mắc những bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,...

Thường xuyên tập thể dục giúp chúng ta kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì

3. Không hút thuốc lá, tránh xa rượu, bia
Sử dụng bất kì một loại thuốc lá nào cũng có nguy cơ cao bị ung thư. Hút thuốc lá gây ra các bệnh ung thư khoang miệng, ung thư thanh quản, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư bàng quang… và đặc biệt là ung thư phổi – loại ung thư có số ca mắc cao nhất tại Việt Nam với gần 20.000 người chết mỗi năm. Ngay cả khi không hút thuốc lá, việc tiếp xúc với thuốc lá một cách thụ động cũng có nguy cơ bị ung thư cao. Vì vậy, tránh xa thuốc lá để phòng tránh ung thư.
Tương tự lạm dụng rượu, bia cũng có nguy cơ gây ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng theo số lượng rượu bia, thời gian uống và sự thường xuyên khi uống. Uống rượu bia gây ra: Ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại tràng.
Bia, rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Nếu hút thuốc lá và uống rượu bia sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do rượu bia gây ra.
4. Tránh tiếp xúc với các tia bức xạ có hại, các loại hóa chất độc hại
Các loại chất thải, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, các loại khí đốt, khói bụi và phụ gia hóa học trong sản xuất công nghiệp không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hại cho sức khỏe của con người.
Một số loại hóa chất đã được chứng minh gây ung thư như: Arsenic được sử dụng cho một số sản phẩm xây dựng; Formaldehyd trong chất bảo quản một số thực phẩm, chất tẩy, xà phòng hoặc mỹ phẩm; BPA có trong đồ hộp nhựa; khí thải Diesels từ các phương tiện giao thông…
Hãy bảo vệ bản thân khỏi ánh sáng mặt trời để phòng tránh các bệnh về da, đặc biệt là ung thư da bằng cách che chắn cơ thể với quần áo dài, mũ, kính râm, bôi kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30, ngay cả khi trời râm mát. Hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều.
Bức xạ từ các thiết bị điện tử không gây ra ung thư trực tiếp nhưng có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Tầm soát ung thư được xem là phương pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả

5. Thực hiện tầm soát ung thư tổng quát định kỳ
Đa phần các ca bệnh ung thư khi được phát hiện đã đến giai đoạn cuối vì người bệnh chỉ đi khám khi có các triệu chứng cụ thể. Việc tầm soát ung thư tổng quát định kỳ giúp phát hiện ra bệnh ngay cả khi chưa có biểu hiện nào.
Trong bối cảnh ung thư ngày càng gia tăng và trẻ hóa, tầm soát ung thư được xem là phương pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả, nhằm phát hiện ung thư sớm trước khi bệnh có triệu chứng, tăng khả năng điều trị khỏi và cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân. Mỗi loại ung thư có phương pháp tầm soát khác nhau, được thực hiện ở những người bình thường chưa có triệu chứng bệnh.
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học giúp giảm các nguy cơ khi tầm soát ung thư, các bác sĩ chuyên môn khuyến nghị mỗi người nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ. Đặc biệt là với những nhóm người có nguy cơ bị ung thư cao: Người hút thuốc lá, người bị các bệnh mạn tính, người có người thân bị ung thư, người béo phì…

BS. Nguyễn Văn Huy
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan