Backgroup Default
Thứ tư, 25/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  04/11/2024, Lượt xem: 189

Nhiều người cho rằng chỉ khi bị chó dại cắn thì mới bị bệnh dại. Thực tế thì bệnh dại còn có thể lây truyền từ nước bọt của động vật bị bệnh qua vết cào hoặc vết liếm vào vùng da có vết thương hở hoặc trầy xước của con người.
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại.
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại trên vùng da tổn thương. Đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như: Hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong gần như 100%.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó 96% - 97% sau đó là mèo 3% - 4%. Bệnh lây truyền chủ yếu qua: Vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Có nhận biết được chó mèo mang mầm bệnh dại không?
Không phải bất cứ chó mèo hay động vật nào mang mầm bệnh dại sẽ có dấu hiệu phát bệnh ra bên ngoài như: Cắn càn, chạy nhảy mất kiểm soát và trở nên hung dữ.
Đặc biệt đối với những chó mèo thả rông, không biết chủ không thể nhận biết được liệu những động vật đó có đang mang mầm bệnh, hay đã được tiêm phòng dại hay chưa. Vì thế một lưu ý quan trọng sau khi đã tiếp xúc với chó mèo nếu bị cắn, liếm, cào trên da bị tổn thương cần phải đi tiêm phòng dại ngay.
Vi rút dại tồn tại trong cơ thể tất cả các loại động vật máu nóng như: Chó, mèo, dơi, chuột,... Động vật mắc bệnh dại sẽ truyền vi rút sang người chủ yếu qua tuyến nước bọt khi bị cào, cắn đôi khi là vết liếm. Vì vậy, cảnh giác với chó mèo thôi là chưa đủ vì không thể nhận diện được con vật nào đang mang vi rút dại.

Tránh tiếp xúc với động vật nhất là những con vật gần gũi với con người như: Chó, mèo phòng bệnh dại

Biểu hiện của bệnh dại ở người
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 vài tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như: Mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Giai đoạn tiền triệu chứng thường là1 - 4 ngày, người bệnh cảm giác: Sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, tê và đau vùng vết thương nơi vi rút xâm nhập.
Giai đoạn viêm não người bệnh sẽ mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: Sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra rối loạn thần kinh thực vật như: Giãn đồng tử, tiết nước bọt, hạ huyết áp, đôi khi xuất tinh tự nhiên.
Bệnh tiến triển theo 2 thể: Thể liệt và thể cuồng. Bệnh thường kéo dài 2 - 6 ngày, thường chết do liệt cơ hô hấp.
Chẩn đoán dại thường dựa vào các biểu hiện: Người bệnh sau khi bị chó, mèo cắn mà có biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.
Chủ động phòng bệnh dại
Để phòng ngừa bệnh dại, có thể áp dụng các biện pháp sau:
Tránh tiếp xúc với động vật hoang dã như: Sói, cáo, gấu, chồn hôi, nhất là những con vật gần gũi với con người như: Chó, mèo,… Có thể tránh tiếp xúc bằng cách giữ khoảng cách an toàn với động vật, không nuôi hoặc chạm vào chúng nếu chưa rõ tình trạng tiền sử tiêm phòng dại trước đó của chúng.
Rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với động vật, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với chất bẩn hoặc chất dịch từ chúng. Nên tránh chạm tay vào miệng hoặc mắt trước khi rửa tay sạch.
Hạn chế việc chơi đùa quá mức với chó, tránh trường hợp chó sẽ cắn và gây ra những vết thương trên cơ thể. Quan trọng hơn, nên hoàn toàn từ bỏ thói quen ngủ chung với thú cưng, đặc biệt là với chó chưa được tiêm phòng vắc xin.
Đối với các gia đình yêu thích động vật và đang nuôi thú cưng, nên thực hiện các công tác cần thiết để phòng bệnh dại cho vật nuôi như: Đưa thú nuôi đi tiêm phòng vắc xin dại hàng năm. Nếu chó mẹ đã được tiêm phòng dại, chó con cần được tiêm phòng khi chúng đủ 3 tháng tuổi. Nếu chó mẹ chưa được tiêm phòng dại, chó con cần tiêm phòng khi đủ 4 tuần tuổi.
Tránh cho chó con ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc bởi chúng có thể bị lây truyền từ nước dãi của các con chó khác mà chúng đã tiếp xúc khi chúng ăn những thực phẩm đó. Khi dẫn chó con đi tập thể dục hoặc đi dạo chơi, luôn sử dụng rọ mõm. Cần duy trì môi trường xung quanh chuồng chó hoặc môi trường xung quanh chỗ chó sạch sẽ.
Những người tiếp xúc nhiều với chó mèo cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Mỗi người nên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như: Găng tay, mặt nạ và quần áo bảo vệ để tránh bị cắn hoặc trầy xước. Trường hợp bị thương, cần rửa sạch vết thương ngay bằng xà phòng và nước ít nhất 15 phút, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm phòng kịp thời.
Đắk Lắk: Trường hợp tử vong thứ 6 nghi do mắc bệnh dại
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh đại tại huyện Cư Mgar. Đây là trường hợp tử vong thứ 6 nghi do dại tính từ đầu năm đến nay.
Bệnh nhân là C.T.L., nữ, sinh năm 1971, trú tại thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, vào tối ngày 14/10, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng co giật, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện CưMgar, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn.
Do tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong nên gia đình xin cho bệnh nhân về nhà.
Bệnh nhân tử vong tại nhà lúc 18h ngày 15/10.
Theo người nhà bệnh nhân, cách ngày nhập viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cắn vào cẳng chân phải và không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

BS. Bùi Thanh Bình
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan