Backgroup Default
Thứ sáu, 18/10/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Y học thường thức
Ngày đăng:  08/10/2024, Lượt xem: 33

Cảnh báo về tình trạng đuối nước và cấp cứu đuối nước sai cách. Chỉ tính riêng tuần vừa qua, có 5 trường hợp đuối nước được cấp cứu, trong đó 4 ca nguy kịch do cấp cứu sai cách, chỉ 1 trẻ hồi phục tốt vì được xử trí đúng.
Sơ cứu đúng cách cho người ngạt nước, đuối nước
Với nguyên tắc khẩn trương, ngay tại chỗ, đúng phương pháp để nhanh chóng giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân, khi gặp phải người ngạt nước, đuối nước cần thực hiện theo cách sau:
Bước 1: Cần đưa nạn nhân ra khỏi nước
Gặp phải tình huống người ngạt nước, đuối nước cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh bằng cách gọi to.
Nếu người phát hiện biết bơi và có kỹ năng cứu hộ thì có thể xuống nước để đưa nạn nhân lên bờ. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
Nếu người phát hiện không biết bơi hoặc chưa thuần thục bơi lội, tuyệt đối không nhảy xuống nước bởi nạn nhân lúc này đang trong tình trạng hoảng loạn, giãy giụa, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Trong trường hợp này, cần tìm khúc gỗ, phao, dây… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người có khả năng đến cứu.

3 bước cần lưu ý khi sơ cứu đuối nước tại chỗ- Ảnh 1.

Gặp phải tình huống người ngạt nước, đuối nước cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh

Bước 2: Khi đưa nạn nhân lên bờ
Sau khi đưa người bị nạn lên bờ, sẽ xảy ra các tình huống: Có người không sao do chỉ uống vài ngụm nước; có người thì ho sặc - hơi khó thở; có trường hợp thì bất tỉnh.
Việc sơ cứu khẩn cấp chủ yếu đặt ra với người bị bất tỉnh. Cần tiến hành cấp cứu tại chỗ, khẩn trương bởi đây là giai đoạn vàng quyết định mạng sống của nạn nhân.
- Với người lớn và trẻ lớn
Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu nạn nhân tím tái, ngừng thở (lồng ngực không di động), tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo ngay lập tức.
Nguyên tắc thực hiện kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức của nạn nhân và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, ép tim dứt khoát, để lồng ngực có sự giao động, không ép tim quá mạnh có thể làm gãy xương sườn của nạn nhân.
Nguyên tắc thực hiện hô hấp nhân tạo: Móc đàm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân, giữ thẳng đầu và hà hơi thổi ngạt với phương pháp miệng thổi miệng. Lưu ý, khi hà hơi thổi ngạt phải bịt mũi nạn nhân lại để luồng không khí xuống phổi.
Việc ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt phải được tiến hành luân phiên nhau.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại chu kỳ đó cho đến khi nạn nhân tỉnh lại.
Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Đối với trẻ nhỏ
Đặt trẻ nằm ở mặt phẳng chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở, cần tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức.
Đối với trẻ dưới 01 tuổi: Dùng 02 ngón tay cái ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
Đối với trẻ từ 01 - 8 tuổi: Dùng 01 bàn tay ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5 lần ấn tim trên 01 lần thổi ngạt (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15 lần ấn tim trên 02 lần thổi ngạt (đối với trẻ trên 8 tuổi). Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 02 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
Bước 3: Những việc làm cần tránh
- Không dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì sẽ làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.
- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu nạn nhân chưa có nhịp thở.
- Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.
- Cần đưa nạn nhân đuối nước nước đến cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
Lời khuyên thầy thuốc
Ngạt nước, đuối nước là tai nạn thường gặp, dù đã cảnh báo nhiều song hiện nay vẫn còn nhiều người sơ cứu đuối nước sai cách. Trong khi đó, sơ cấp cứu ban đầu cho người đuối nước rất quan trọng bởi vì nguyên nhân chính gây tử vong là tổn thương não do thiếu ôxy.
Để phòng tránh đuối nước và những mối nguy đe dọa tính mạng do đuối nước, mỗi người dân, đặc biệt là trẻ em cần học kỹ năng bơi lội, kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản đối với người bị đuối nước.
Tại các bể bơi phải có người giám sát, các phương tiện cứu hộ kịp thời. Tại các ao, hồ, sông, suối, bãi biển phải có các biển báo mực nước và độ nguy hiểm. Tuân thủ các quy định, quy trình về an toàn lao động, an toàn giao thông trên mặt nước như: Quy định về mặc áo phao khi ngồi trên thuyền bè, không chở quá người quy định trên thuyền, phà…

BS. Nguyễn Minh Tiến
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan