Backgroup Default
Thứ bảy, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Sử dụng thuốc an toàn
Ngày đăng:  30/12/2024, Lượt xem: 14

Nhiều người bổ sung vitamin D trong những tháng mùa Đông, giúp cơ thể khỏe mạnh, tuy nhiên cần bổ sung đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để tránh dùng thừa gây ngộ độc...
Mùa Đông đến, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giảm, cơ thể có thể sẽ không sản xuất đủ lượng vitamin D. Thiếu hụt vitamin D sẽ gây: Mệt mỏi, loãng xương, yếu cơ, chuột rút… Do đó, nhiều người đã tìm đến giải pháp bổ sung vitamin D trong những tháng lạnh giá này.
Cần lưu ý, trước khi bổ sung người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, hoặc chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung đúng khi co thể thiếu hụt, tránh dùng thừa gây độc.
Ngộ độc vitamin D nghiêm trọng đến mức nào?
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 năm 2024 trên Touchendocrinology về hồ sơ lâm sàng và sinh hóa của bệnh nhân nhập viện bị tăng canxi huyết từ một Trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Bắc Ấn Độ đã phát hiện ra rằng, tình trạng ngộ độc vitamin D là một trong những lý do khiến các trường hợp tăng canxi huyết gia tăng.

Dùng nhiều vitamin D có thể gây ngộ độc…

Ngộ độc vitamin D (tăng nồng độ vitamin D), xảy ra khi nồng độ vitamin D trong cơ thể quá cao, dẫn đến tích tụ canxi trong máu (tăng canxi huyết). Tình trạng này không phải do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài hoặc chế độ ăn giàu vitamin D mà thường là kết quả của việc dùng liều cao các chất bổ sung vitamin D theo thời gian.
Mặc dù vitamin D tan trong chất béo và được lưu trữ trong cơ thể, nhưng lượng quá nhiều có thể phá vỡ các quá trình sinh lý bình thường, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Lượng khuyến cáo trong chế độ ăn uống (RDA) của vitamin D thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe. Trong khi RDA cho hầu hết người lớn là 600 đến 800 IU/ngày, thì mức hấp thụ tối đa có thể chấp nhận được được đặt ở mức 4.000 IU/ngày. Việc bổ sung trên 10.000 IU mỗi ngày trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sẽ dẫn đến ngộ độc.
Điều quan trọng cần lưu ý là nguy cơ tăng cao khi kết hợp thực phẩm bổ sung vitamin D với chế độ ăn nhiều canxi hoặc thực phẩm bổ sung canxi. Điều này có thể đẩy nồng độ canxi trong máu lên mức nguy hiểm, gây ra các biến chứng về sức khỏe.
Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc vitamin D
Ngộ độc vitamin D biểu hiện bằng một loạt các triệu chứng chủ yếu do tăng canxi huyết. Các dấu hiệu ban đầu bao gồm: Buồn nôn, nôn, chán ăn, khát nước, tiểu nhiều và yếu.
Các biểu hiện nghiêm trọng hơn xảy ra ở giai đoạn ngộ độc tiến triển:
- Nồng độ canxi cao có thể dẫn đến hình thành sỏi thận, làm suy giảm chức năng thận hoặc gây vôi hóa mô thận.
- Nồng độ canxi tăng cao có thể dẫn đến vôi hóa động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
- Lượng vitamin D dư thừa có thể làm xương yếu đi do cản trở quá trình điều hòa canxi, do đó làm tăng nguy cơ gãy xương.
- Tăng canxi huyết có thể gây ra tình trạng lú lẫn, cáu kỉnh và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây co giật do tác động lên hệ thần kinh.
Vitamin D là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể. Vitamin D giúp điều chỉnh lượng canxi và phốt phát, cần thiết để giữ cho xương, răng và cơ khỏe mạnh. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến dị tật xương như: Còi xương ở trẻ em, đau xương do tình trạng nhuyễn xương ở người lớn.
Vitamin D có trong một số ít thực phẩm, bao gồm: Cá có dầu (chẳng hạn như: Cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu), thịt đỏ, gan (tránh ăn gan nếu bạn đang mang thai), lòng đỏ trứng, thực phẩm tăng cường (ngũ cốc ăn sáng)...
Mọi người nên cân nhắc việc bổ sung vitamin D hàng ngày vào mùa thu và mùa đông, nhưng cân theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị ngộ độc do thừa vitamin D.

DS. Thu Hoàng
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan