Backgroup Default
Thứ bảy, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Sử dụng thuốc an toàn
Ngày đăng:  30/12/2024, Lượt xem: 15

Hội chứng Sudeck là một bệnh ít gặp, ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân. Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ giúp thuyên giảm triệu chứng.
1. Ai có nguy cơ mắc Hội chứng Sudeck, cách nhận biết như thế nào?
Hội chứng Sudeck hay còn gọi là bằng nhiều tên khác như: Loạn dưỡng giao cảm phản xạ, hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ, hội chứng vai tay, hội chứng teo Sudeck. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam, thường trong độ tuổi từ 40-60.
Người có nguy cơ mắc bệnh gồm:
- Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay.
- Người bị chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống cổ, chấn thương vùng vai.
- Người từng bị chấn thương vùng cổ tay, chấn thương xương cẳng tay đoạn 1/3 dưới.
- Người đã bị đột quỵ não, nhất là trong 1-6 tháng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết, đái tháo đường, các bệnh tim mạch.

Hội chứng Sudeck ảnh hưởng đến các chi và hạn chế vận động

Hội chứng Sudeck có thể xảy ra ở tất cả các chi, nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là ở bàn tay và khớp vai, thường diễn biến từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện:
- Đau và sưng tấy: Đau ở chi bị bệnh (mức độ đau nhiều, liên tục, tăng về đêm và khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi). Biểu hiện này tiến triển nhanh và ở chi bị bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu: Sưng tấy, phù căng, đỏ nóng, da bóng nhẵn, khi sờ vào có cảm giác mạch đập nhanh. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, sau đó diễn biến đến giai đoạn nặng hơn.
- Giảm vận động chi: Sau khoảng 1-2 tuần kể từ lúc xuất hiện triệu chứng bệnh, tình trạng đau lúc tăng lúc giảm, phù giảm dần, nhưng da ở phần chi bị bệnh dày lên, chuyển dần sang màu tím. Phần gân, bao khớp co kéo lại làm chi hạn chế vận động. Bệnh tiến triển dần dần khiến các cơ của chi bị teo, làm giảm vận động của chi bệnh so với chi lành.
Nếu không được điều trị kịp thời thì những tổn thương trên có thể không hồi phục.
2. Phương pháp điều trị Hội chứng Sudeck
Trước khi điều trị hội chứng Sudeck, cần phân biệt với các bệnh khác như: Hội chứng cổ vai gáy, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, gout, bởi các tình trạng này có các triệu chứng gần giống nhau.
Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm hội chứng Sudeck. Việc điều trị nhằm thuyên giảm các triệu chứng cho người bệnh, do đó, cần phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực để hạn chế các tổn thương vĩnh viễn; kết hợp điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu để giảm triệu chứng cũng như giúp bệnh nhân hồi phục sớm.
2.1 Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định tùy vào triệu chứng:
- Thuốc chống viêm không steroid, sử dụng đường uống hoặc đường tiêm tùy tình trạng của bệnh nhân.
- Thuốc corticoid điều trị viêm sưng: Ban đầu, có thể chỉ định corticoid liều cao một thời gian ngắn, sau đó giảm liều và ngừng thuốc. Không được dùng kéo dài vì có nguy cơ gặp các tác dụng phụ.
- Dùng các thuốc phong bế gốc chi nhằm làm giảm các triệu chứng rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay... giúp giảm đau, giảm phù nề, tím đỏ bàn tay hoặc các thuốc phong bế hạch sao và đám rối thần kinh cánh tay, giúp giảm đau và giảm rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay.
- Kem gây tê lidocaine.
- Thuốc chống trầm cảm, chống co giật.
- Thuốc giảm đau từ nhẹ đến trung bình như: Aspirin, ibuprofen, naproxen... hoặc thuốc giảm đau mức độ nặng hơn như: Oxycodone, morphine, hydrocodone, fentanyl...
2.2 Vật lý trị liệu
Có thể dùng các phương pháp sau:
- Tại nhà, bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp ngâm tay bị bệnh vào nước lạnh 1-2 phút/lần. Mỗi ngày 1-2 lần để giúp giảm đau, giảm phù nề, đỏ, loạn dưỡng tay.
Lúc ngủ và nghỉ nên kê tay cao hơn tim để giảm phù nề. Khi thức, dùng dây treo qua cổ để đỡ tay nhằm giảm phù, đau nhức tay.

Kết hợp dùng thuốc cùng các biện pháp khác để tăng cường hiệu quả điều trị

- Tại bệnh viện, các phương pháp điều trị nhiệt nóng như: Sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng, paraffin, bức xạ hồng ngoại… có thể áp dụng vào vùng vai và cột sống cổ hoặc bệnh nhân có thể được sử dụng các biện pháp giảm đau bằng dòng điện như: Điện xung, điện xung dòng TENS, điện di novocain 2%…
Sau khi triệu chứng bệnh ở tay thuyên giảm, bệnh nhân cần cần tích cực thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để gây giãn khớp, chống dính khớp, phục hồi chức năng khớp vai.
2.3 Phẫu thuật
Khi áp dụng phương pháp điều trị nội khoa thất bại, có thể sử dụng các biện pháp can thiệp:
- Phẫu thuật phong bế và triệt hạch giao cảm cổ.
- Phẫu thuật mổ bỏ hạch giao cảm cổ bằng nội soi hoặc mổ hở.

BS. Bùi Thị Hương
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan