Backgroup Default
Thứ năm, 26/12/2024
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Sử dụng thuốc an toàn
Ngày đăng:  02/12/2024, Lượt xem: 25

Hẹp van động mạch phổi là một khuyết tật tim bẩm sinh. Trường hợp hẹp van nhẹ không cần điều trị, chỉ cần kiểm tra, theo dõi định kỳ. Trường hợp nặng hơn ảnh hưởng đến cuộc sống tùy mức độ sẽ có chỉ định phù hợp...
1. Hẹp van động mạch phổi là gì?
Van động mạch phổi là 1 trong 4 van tim đảm nhiệm chức năng đóng mở khi có máu ra vào tim. Van động mạch phổi có cấu tạo hai lá mỏng. Khi nhịp tim đập, van mở ra khiến máu được đẩy ra khỏi tim lên phổi để trao đổi khí qua động mạch phổi. Kết thúc nhịp đập, van đóng lại để ngăn ngừa máu chảy ngược về tim.
Khi xảy ra hẹp van tim, một hoặc cả hai lá van bị lỗi hoặc quá dày. Khi van này bị lỗi, biến dạng hoặc chít hẹp sẽ gây ra tình trạng dòng máu chảy từ tim đến phổi gặp khó khăn, lượng máu có thể lên phổi để trao đổi oxy giảm... tình trạng này gọi là hẹp van động mạch phổi.
Bệnh hẹp van động mạch phổi là một khiếm khuyết hiếm gặp. Tình trạng này thường liên quan đến dị tật tim bẩm sinh được gọi là tứ chứng Fallot.

Hình ảnh hẹp van động mạch phổi

2. Biểu hiện của hẹp van động mạch phổi
Tùy thuộc vào mức độ hẹp của van từ nhẹ đến nặng mà triệu chứng ở mỗi người là khác nhau.. Những trường hợp hẹp van động mạch phổi nhẹ thường chỉ có triệu chứng khi gắng sức:
- Khó thở, đặc biệt là trường hợp gắng sức
- Đau ngực
- Mất ý thức, ngất xỉu
- Mệt mỏi thường xuyên...
Khi có các triệu chứng khó thở, đau ngực hoặc bất tỉnh, cần phải đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay, để đánh giá kịp thời tình trạng hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Trường hợp trẻ sinh ra có chứng hẹp động mạch phổi bẩm sinh, các triệu chứng sẽ được nhận thấy ngay sau khi sinh từ vài giờ đến vài ngày. Trẻ sơ sinh bị hẹp động mạch phổi sẽ có các triệu chứng:
- Da xanh tím
- Da lạnh, tái nhợt và ẩm ướt
- Thở nhanh hoặc khó thở
- Bú kém, khó thở tăng khi bú...
Trường hợp bệnh mức độ nhẹ đến trung bình thường ít gặp phải biến chứng. Nếu bệnh nặng, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng:
- Nhiễm trùng do viêm nội tâm mạc: Xảy ra ở những người có bất thường trong cấu trúc tim bẩm sinh.
- Rối loạn nhịp tim: Do hẹp van ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền điện tim.
- Phì đại tâm thất phải: Khi bị hẹp động mạch phổi nặng, tâm thất phải cần bơm với lực mạnh hơn để tăng lượng máu vào động mạch phổi. Quá trình này lâu dài sẽ khiến cơ tâm thất sẽ dày lên, làm tăng diện tích buồng tâm thất, cuối cùng cơ tim trở nên xơ cứng và suy yếu.
- Suy tim: Xảy ra sau giai đoạn phì đại tâm thất phải, khiến tim khó bơm máu lên phổi và lấy máu từ các cơ quan về tim, gây tình trạng khó thở, mệt mỏi, phù chi.
3. Các biện pháp điều trị hẹp van động mạch phổi
Hẹp van động mạch phổi chiếm tỷ lệ từ 8 - 12% các loại bệnh lý tim bẩm sinh. Bệnh ở giai đoạn nhẹ thường không có triệu chứng và có thể chữa khỏi bằng thuốc. Tuy nhiên, các trường hợp vừa và nặng cần được cân nhắc phẫu thuật. Tỷ lệ thành công khi điều trị các ca bệnh này thường rất cao.
3.1 Điều trị hẹp van động mạch phổi nhẹ
Đa số các trường hợp hẹp van nhẹ không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần kiểm tra, theo dõi định kỳ thường xuyên theo lịch của bác sĩ và thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống như:
- Bỏ thuốc lá, tránh môi trường khói thuốc.
- Hạn chế hoặc từ bỏ rượu và các chất kích thích khác.
- Ăn uống khoa học, đủ các nhóm dưỡng chất, tăng cường rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo gây hại.
- Thường xuyên luyện tập với các bài tập phù hợp như: Đi bộ, yoga...
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh thức khuya, căng thẳng.
- Tránh lao động nặng quá sức…
3.2 Điều trị hẹp van động mạch phổi có triệu chứng
Khi có các triệu chứng đau ngực, khó thở, mệt mỏi, bệnh nhân cần đi khám để được điều trị kịp thời. Bước đầu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc:
- Thuốc tăng lưu lượng máu qua tim.
- Thuốc tăng sức co bóp cơ tim.
- Thuốc ngăn ngừa đông máu.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp...
Đơn thuốc được chỉ định tùy vào tình trạng của bệnh nhân sau các chẩn đoán lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng kỹ.
Việc dùng thuốc nhằm đạt được mục tiêu:
- Cải thiện lưu lượng máu.
- Giảm nguy cơ đông máu.
- Tăng sức co bóp của tim.
- Giảm lượng chất lỏng dư thừa.
- Phòng ngừa nhịp tim không đều...
Trường hợp van hẹp nặng, các triệu chứng gây khó chịu trầm trọng hoặc điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ có thể tiến hành các can thiệp sâu hơn nhằm giải quyết các tình trạng khó chịu và xử lý các biến chứng.

Trẻ bị hẹp van động mạch phổi cần được định kỳ đi khám để theo dõi sức khỏe...

3.3 Điều trị hẹp động mạch phổi ở trẻ sơ sinh
Trước hết, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các thủ thuật để điều chỉnh bệnh tim và các loại thuốc giúp tim trẻ hoạt động một cách hiệu quả hơn:
- Điều trị nội khoa: Hầu hết trẻ bị hẹp động mạch phổi cần dùng thuốc để giữ ống động mạch mở sau khi sinh giúp lưu thông máu đến phổi cho đến khi van động mạch phổi được sửa chữa.
- Thông tim can thiệp: Một số trường hợp, dòng chảy của máu được cải thiện bằng cách sử dụng thủ thuật thông tim. Trong thủ thuật này, bác sĩ có thể mở rộng van bằng một quả bóng hoặc có thể đặt một stent để giữ cho ống động mạch mở.
- Phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp hẹp động mạch phổi bẩm sinh, trẻ cần phẫu thuật ngay sau khi sinh. Bác sĩ sẽ mở rộng hoặc thay thế van động mạch phổi và mở rộng đường thông vào động mạch phổi.
+ Trường hợp trẻ có thông liên thất, bác sĩ sẽ đặt một miếng vá vào lỗ thông liên thất để đóng lỗ thông giữa hai buồng tâm thất của tim giúp cải thiện lưu lượng máu đến phổi và phần còn lại của cơ thể.
+ Trường hợp trẻ bị hẹp động mạch phổi có tâm thất phải kém phát triển, có thể cần phẫu thuật nhiều giai đoạn.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn: Sau khi được điều trị, trẻ vẫn cần thăm khám và theo dõi định kỳ với bác sĩ tim mạch để theo dõi tiến trình của bệnh và kiểm tra các tình trạng sức khỏe khác có thể phát triển khi trẻ lớn lên.

BS. Minh Vũ
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan