Backgroup Default
Thứ tư, 15/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  21/05/2024, Lượt xem: 104

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch, nhiều người có cha, mẹ mắc bệnh tăng huyết áp đã rất lo lắng và băn khoăn không biết bệnh có di truyền không?
Huyết áp là áp lực máu trong lòng động mạch, tạo tuần hoàn đi khắp cơ thể. Nó được tạo ra do lực co bóp cơ tim và sức cản động mạch. Huyết áp dao động trong ngày, tăng lên khi gắng sức, khi tập thể dục và hoạt động nặng, thấp hơn vào lúc nghỉ, đặc biệt là trong lúc ngủ.
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch ở các nước phát triển. Bệnh tăng huyết áp ước tính là nguyên nhân gây tử vong cho 7,1 triệu người, chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới (64 triệu người sống trong tàn phế).
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Ghi nhận cho thấy có khoảng 90 - 95% tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (còn gọi vô căn hay nguyên phát). Nó có thể là phối hợp của nhiều yếu tố từ chế độ ăn và lối sống.
Còn lại ít hơn 10% bệnh nhân tăng huyết áp có nguyên nhân (còn gọi là tăng huyết áp thứ phát) như: Bệnh nhu mô thận, suy thận mạn, hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, u tủy thượng thận, hội chứng Cushing, ngưng thở lúc ngủ, cường Aldosteron, do thuốc… Trong quá trình khám bệnh, nếu bác sĩ nghi ngờ tăng huyết áp là do nguyên nhân thứ phát gây ra, bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán bệnh.
Nhiều người băn khoăn không biết bệnh tăng huyết áp có di truyền không? Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu lớn nào trên thế giới chứng minh có sự di truyền trong bệnh tăng huyết áp.
Có thể nói tăng huyết áp là một bệnh lý kết hợp bởi nhiều yếu tố tạo thành: Chế độ ăn, uống, chế độ vận động, sự thay đổi lão hóa khi tuổi cao và có thể do một nguyên nhân thứ phát gây ra.
Do đó, nếu các thế hệ trong một gia đình có "chế độ sống nguy cơ" giống nhau (ví dụ: Ăn mặn; ít vận động; uống nhiều bia, rượu;…) thì khả năng các thế hệ trong gia đình đó mắc bệnh tăng huyết áp là rất cao.

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch

Những ai có nguy cơ mắc tăng huyết áp?
Ai cũng có thể có nguy cơ mắc tăng huyết áp, tuy nhiên những người sau đây sẽ là đối tượng phổ biến của bệnh tăng huyết áp:
Người lớn tuổi: Do tuổi càng cao thì hệ thống thành mạch máu không còn duy trì được độ đàn hồi như trước, dẫn đến tăng huyết áp.
Nam giới trẻ và phụ nữ sau mãn kinh: Tỷ lệ nam giới dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh lại có nhiều khả năng bị tăng huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này.
Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với các thành viên trong gia đình (cha, mẹ hoặc anh, chị) có tiền sử mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp còn có thể gặp ở những người như:
- Người thừa cân béo phì;
- Người có lối sống tĩnh tại, lười vận động;
- Ăn, uống không lành mạnh;
- Ăn quá nhiều muối;
- Sử dụng lạm dụng rượu, bia;
- Hút thuốc lá;
- Căng thẳng thường xuyên.

Người bị tăng huyết áp cần thực hiện thay đổi lối sống một cách khoa học

Cần làm gì để giảm nguy cơ tăng huyết áp?
Để giảm nguy cơ mắc tăng huyết áp, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao đều cần thực hiện thay đổi lối sống một cách khoa học. Điều này, được khuyến cáo ngay cả với tất cả bệnh nhân tăng huyết áp, vì sẽ tránh được nguy cơ biến chứng và tình trạng bệnh nặng hơn.
- Cần bỏ hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá và các chiết xuất của nó làm co thắt mạch máu, khiến tim đập nhanh hơn và gây tăng huyết áp. Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với hệ tim mạch (cả đau tim và đột quỵ) và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp rõ ràng.
- Cần có chế độ ăn ít muối khoa học: Ít muối, ít chất béo bão hòa và ít cholesterol; giàu trái cây, rau củ, sản phẩm ít chất béo từ sữa; giới hạn chất ngọt, các thức uống có đường. Ăn mặn là yếu tố góp phần làm tăng huyết áp, lượng muối hạn chế ở mức ít hơn 2,4g/ngày (1 muỗng cafe tương đương với 2,3g muối). Tránh dùng các sản phẩm ướp muối, rau củ đóng hộp (có chứa nhiều muối).
- Cần hạn chế uống rượu, bia: Nếu bạn có uống thì nên hạn chế tối đa mỗi ngày dưới 80 ml rượu mạnh, đối với bia là dưới 600 ml (tương đương 2 lon bia) và đối với rượu vang là dưới 250 ml.
- Cần giảm cân: Chỉ số BMI (body mass index) = cân nặng (kg)/(chiều cao x chiều cao) (m) được dùng để đánh giá tình trạng cân nặng. Bạn cần duy trì BMI 18,5 - 24,9kg/m2 để có cân nặng lý tưởng.
Ngày nay, chỉ số vòng eo là 1 dấu hiệu quan trọng trong tiên lượng nguy cơ bệnh lý tim mạch, do đó cần chú ý đến số đo này của mình. Đối với nam cần giữ vòng eo < 90 cm và nữ là < 80 cm. Bạn nên nhớ: Vòng eo càng to thì tuổi thọ càng nhỏ. Khi bị thừa cân, nếu bạn giảm cân được sẽ không chỉ giúp bạn giảm huyết áp, mà còn có lợi với cả những bệnh như: Tiểu đường, rối loạn mỡ máu,… Tác dụng hạ áp của việc giảm cân có thể được nâng cao nếu đồng thời tăng cường tập thể dục, hạn chế rượu với những người nghiện rượu, thừa cân và giảm ăn muối.
- Thường xuyên luyện tập thể dục: Nên thường xuyên tập thể dục ở mức độ vừa phải như: Đi bộ, chạy bộ hay bơi lội trong ít nhất 30 phút, hầu hết các ngày trong tuần. Mức độ luyện tập tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật và sức khỏe chung của bạn.
Tuy nhiên, nên tránh tập vận động đẳng trương như nâng tạ vì có thể có tác dụng tăng huyết áp. Nếu tăng huyết áp chưa được kiểm soát và bạn đang ở tình trạng tăng huyết áp nặng thì không nên tập thể dục hoặc hoãn lại cho đến khi được điều trị hiệu quả.
Tập thể dục ngoài trời cần tránh những lúc thời tiết lạnh. Việc tập thể dục vào sáng sớm, khi nhiệt độ bên ngoài còn thấp... có thể làm co mạch gây tăng huyết áp và gây co mạch máu nuôi tim, gây nhồi máu cơ tim. Do đó, thời gian tập thể dục tốt nhất trong ngày là lúc chiều, tối.
Nếu bạn bị tăng huyết áp nhẹ, biện pháp thay đổi lối sống trên có thể đủ hạ huyết áp xuống mức bình thường mà chưa cần đến dùng thuốc. Đối với một số khác, những biện pháp này có thể giúp họ chỉ cần dùng ít thuốc hơn hoặc dùng với liều thấp đã đủ kiểm soát huyết áp.

TS. BS. Ngô Hồng Hạnh
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan