Backgroup Default
Chủ nhật, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  15/05/2024, Lượt xem: 162

Bệnh tăng huyết áp (hay còn gọi là cao huyết áp) là một bệnh lý nguy hiểm. Huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, có khả năng dẫn đến suy thận nếu không được kiểm soát tốt huyết áp. Bệnh tăng huyết áp được xếp cùng nhóm với các rối loạn, bệnh lý nguy hiểm khác như: Béo phì, đái tháo đường tuýp 2, cholesterol cao,…. Tăng huyết áp còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30 - 79 tuổi trên toàn thế giới bị tăng huyết áp. Có khoảng 46% người lớn bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Ít hơn một nửa số người lớn (42%) bị tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, chỉ khoảng 1/5 số người lớn (21%) bị tăng huyết áp đã được kiểm soát. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn mắc bệnh ở mức báo động là 48%. Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng người bị huyết áp cao vẫn đang tăng lên và có dấu hiệu giảm dần về độ tuổi người mắc bệnh. Tỷ lệ tăng huyết áp ở Việt Nam ngày càng gia tăng, Bộ Y tế đã đưa bệnh tăng huyết áp vào chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm (giai đoạn 2015-2025).

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với bình thường. Đây là bệnh được định nghĩa khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính gây các biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, xuất huyết võng mạc,… và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm trên toàn cầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng do đó nhiều người không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp
1. Tuổi > 55 đối với nam, > 65 tuổi đối với nữ.
2. Có hút thuốc lá.
3. Vận động thể lực < 30 phút/ngày, dưới 05 ngày/tuần.
4. Ăn > 5 gam muối (tương đương 01 thìa cà /phê)/người/ngày.
5. Ăn ít rau, trái cây: < 400gam/ngày.
6. Uống nhiều rượu, bia.
7. Bố, mẹ, anh, chị, em ruột mắc bệnh tim mạch ở độ tuổi nam < 55, nữ < 65.
8. Hay bị stress và căng thẳng tâm lý.
9. Thừa cân, béo phì.
10. Mắc bệnh đái tháo đường.
11. Mỡ máu cao.

Mỗi người dân cần kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp là cần thiết nhất. Ngay từ lúc còn trẻ đã phải cố gắng thực hiện được một lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Cụ thể là: Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu, bia, ăn nhạt, hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (chất béo động vật), các thức ăn có chứa nhiều chất bột đường, thịt đỏ hay thức ăn chế biến sẵn. Nên tăng cường rau xanh trong các khẩu phần ăn hằng ngày, tập thể dục đều đặn và đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (30 - 60phút/mỗi ngày), tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, kiểm tra sức khỏe định kỳ... Điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài và liên tục cho nên người bệnh cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế và có chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý.
Ngày Thế giới Phòng chống Tăng huyết áp năm 2024 (ngày 17 tháng 5) với chủ đề: "Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp - Sống lâu hơn" nhằm nêu bật nhận thức về bệnh tăng huyết áp trên toàn thế giới, thúc đẩy các phương pháp đo huyết áp chính xác và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kiểm soát tăng huyết áp để sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

CN. Ngọc Hoa - Khoa PC BKLN

Bài viết liên quan