Backgroup Default
Thứ năm, 3/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  29/01/2024, Lượt xem: 377

Ung thư gan là loại ung thư phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao do phần lớn các trường hợp chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã ở giai đoạn sau.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), năm 2020 trên thế giới có khoảng 905.600 ca mắc mới và 830.100 trường hợp tử vong vì ung thư gan. Con số này tại Việt Nam là khoảng 26.400 ca mắc mới và 25.200 trường hợp tử vong.
Ung thư gan rất phổ biến ở những nước Đông Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và phổ biến biến thứ hai ở nữ giới chỉ sau ung thư vú.
Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư gan
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan, trong đó phải kể đến là:
-Tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B (HBV)
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến toàn cầu do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B có thể chuyển sang mạn tính và gây hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan. Vi rút viêm gan B là một vi rút có cấu trúc DNA gây ra bệnh viêm gan B.
Ở người trưởng thành, hơn 90% trường hợp viêm gan vi rút B diễn biến cấp tính có thể khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính. Ở trẻ sơ sinh, có tới 90% trường hợp nhiễm viêm gan B trở thành mạn tính, các triệu chứng có thể không được chú ý cho đến khi nó gây ra biến chứng.

Ung thư gan rất phổ biến ở những nước Đông Á và Đông Nam Á

- Nhiễm vi rút viêm gan C (HCV)
Viêm gan C là một bệnh phổ biến tại Việt Nam, gây ra bởi vi rút HCV. Viêm gan C mạn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Xơ gan xảy ra ở 20% những người bị viêm gan C mạn tính. Quá trình này có thể mất tới 20 năm hoặc lâu hơn để phát triển. Trong thời gian đó, các tế bào khỏe mạnh của gan đang dần thay thế bằng mô sẹo.
Trong khi những vết sẹo càng lớn lên, gan của bạn cố gắng để tự chữa bệnh bằng cách tạo ra các tế bào mới. Nhưng quá trình tạo ra tế bào mới này, có thể khiến tế bào gan tạo ra nhiều hơn, làm tăng nguy cơ phát triển đột biến, dẫn tới sự hình thành của khối u. Theo WHO, nguy cơ ung thư gan ở người nhiễm HCV cao gấp 17 lần so với người không nhiễm.
Nếu mắc nhiều loại viêm gan do vi rút (HBV, HCV, HIV, HDV) làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan lên nhiều lần.

Nếu mắc nhiều loại viêm gan do vi rút (HBV, HCV, HIV, HDV) làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan lên nhiều lần

- Xơ gan
Không phải tất cả bệnh nhân xơ gan đều dẫn tới ung thư gan và cũng không thể khẳng định bao lâu sau thì xơ gan sẽ tiến triển thành ung thư gan. Điều chắc chắn là xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan. Sử dụng rượu, bia và viêm gan B, C mạn tính là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xơ gan. Và người bị xơ gan thì tối thiểu 6 tháng phải khám bệnh một lần để tầm soát u gan.
- Lạm dụng bia, rượu, hút thuốc lá
Theo nghiên cứu, sử dụng đồ uống có cồn gây ra tổn thương gan không thể phục hồi và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Những người hút thuốc, bị bệnh đái tháo đường và thừa cân/béo phì có thể bị các vấn đề về gan, do đó có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn người khỏe mạnh.
Ngoài ra, tiếp xúc với aflatoxin có thể dẫn đến ung thư gan. Aflatoxin là một chất độc được tạo ra bởi một loại nấm mốc phát triển trên đậu phộng, ngũ cốc và ngô do bảo quản không đúng cách.
Phòng ngừa ung thư gan
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ ung thư gan cao nhất thế giới. Ung thư gan gia tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao là do tiêm phòng viêm gan B chưa đầy đủ, người dân không biết đến việc tầm soát ung thư gan định kỳ.
Vì vậy, phòng ngừa ung thư gan dựa trên nguyên tắc ngăn chặn sự phát triển của các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan.
Phòng ngừa vi rút viêm gan B bằng cách tiêm vắc xin viêm gan B là cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm vi rút HBV.
Vắc xin viêm gan B nên được chủng ngừa cho tất cả trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh để ngăn ngừa nhiễm HBV. Người lớn cần tiêm ngừa nếu chưa từng tiêm hoặc tiêm nhắc lại nếu xét nghiệm cho thấy hiệu lực vắc xin đã giảm đi. Những người đã nhiễm HBV nên duy trì điều trị.
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin viêm gan C, vì vậy các biện pháp phòng ngừa vi rút viêm gan C là quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng các biện pháp bảo hộ khi quan hệ, chẳng hạn như bao cao su. Tuy nhiên, đôi khi bao cao su không phải an toàn tuyệt đối, vì vậy không nên quan hệ với nhiều người, đảm bảo đối tượng quan hệ không bị viêm gan B, C hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Không sử dụng ma túy và không sử dụng chung kim tiêm với người khác. Thận trọng với hình xăm và xỏ khuyên.
Các biện pháp ngăn ngừa xơ gan cũng giúp hạn chế nguy cơ bị ung thư gan bằng cách không nên uống nhiều rượu, bia. Tập thể dục thường xuyên, mỗi tuần nên tập ít nhất 5 ngày, mỗi lần tối thiểu 30 phút.
Cần có chế độ ăn uống cân bằng với protein nạc, trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Cần duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bị thừa cân/béo phì, hãy giảm cân bằng cách tăng giải phóng calo và hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể. Không hút thuốc lá. Điều trị lâu dài và hiệu quả các bệnh lý gan đang hoạt động, bao gồm: Gan nhiễm mỡ, viêm gan,…
Điều quan trọng là việc phòng ngừa không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị ung thư gan. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bệnh về gan và một số vấn đề sức khỏe khác có thể gây ung thư gan.

BSCKI. Phạm Thị Thanh
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan