Backgroup Default
Thứ bảy, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng:  30/12/2024, Lượt xem: 25

Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Phục hồi chức năng giúp người bệnh kiểm soát co cứng tứ chi, cải thiện tầm vận động khớp...
1. Vai trò của tập luyện, phục hồi chức năng với người bệnh viêm não Nhật Bản
Di chứng viêm não Nhật Bản để lại có thể là: Liệt hoặc yếu vận động; mất khả năng phối hợp động tác; run tay chân, mất thăng bằng; rối loạn cảm giác tê bì, đau thần kinh, mất cảm giác; méo miệng, nói khó, nói ngọng, mất ngôn ngữ; khó nuốt, ăn uống hay sặc, có khi mất khả năng nhai nuốt, phải đặt thông dạ dày; nhìn kém, nhìn đôi, mất thị lực… Chính vì vậy, việc tập luyện, phục hồi chức năng với người bệnh là vô cùng quan trọng.
Người bệnh viêm não Nhật Bản cần phục hồi chức năng ngay trong quá trình điều trị viêm não nhằm mục đích: Chống teo cơ, loét do đè ép, phòng ngừa biến dạng khớp, viêm phổi thứ phát…
Để khắc phục các di chứng do tổn thương não, người bệnh cần khôi phục lại những mạch kết nối đã bị hư hại hoặc tạo ra những mạch kết nối mới. Quá trình phục hồi chức năng sau tổn thương não để tránh các di chứng, cần tuân thủ những phương pháp sau để người bệnh có cơ hội khôi phục toàn diện khả năng vận động, ngôn ngữ, nhận thức và cảm giác.

Người bệnh viêm não Nhật Bản cần phục hồi chức năng ngay từ khi còn điều trị viêm não

Phục hồi chức năng giúp người bệnh viêm não Nhật Bản kiểm soát co cứng tứ chi, cải thiện tầm vận động khớp, tăng cường khả năng vận động tay chân, cải thiện khả năng di chuyển, đi lại, chống teo cơ, cứng khớp, giảm đau vai, chống loét và viêm phổi do nằm lâu.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, chức năng vận động và sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ đưa ra chương trình tập khác nhau. Các bài tập sẽ được tăng dần độ khó và phức tạp như: Tập vận động theo tầm vận động khớp, ức chế co cứng để tránh cứng khớp, dính khớp và giảm co cứng cơ; các bài tập mạnh cơ để giảm tình trạng yếu liệt; các bài tập dịch chuyển để bệnh nhân có thể tự lăn trở người, tự ngồi dậy và các bài tập thăng bằng, tập đứng, tập đi lại...
Bên cạnh đó, trong vận động trị liệu còn có các bài tập chức năng hô hấp, phục hồi chức năng tim mạch để cải thiện chức năng tim, phổi, đặc biệt ở các bệnh nhân viêm phổi và có bệnh lý tim mạch.
2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh viêm não Nhật Bản
2.1 Châm cứu, bấm huyệt
Người bệnh viêm não Nhật Bản được châm cứu bấm huyệt để điều chỉnh từ bên trong cơ thể vừa tư bổ can thận vừa thanh nhiệt, an thần. Bệnh nhân được châm cứu lưu kim 30 phút kết hợp chiếu đèn hồng ngoại. Sau khi châm cứu các bác sĩ y học cổ truyền sẽ thực hiện bấm huyệt để điều chỉnh từ ăn nhai nuốt, cải thiện về giấc ngủ, đi ngoài cho bệnh nhân. Vừa châm cứu vừa bấm huyệt sẽ điều chỉnh cải thiện về trí nhớ, ngôn ngữ cho trẻ, cải thiện về vận động tay chân, cử động các khớp.
Châm cứu, bấm huyệt, cải thiện tuần hoàn, tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng da, giảm đau, giảm phù nề, làm mềm gân cơ để phục hồi vận động, ngôn ngữ trí tuệ, giác quan và hạn chế các thương tật thứ phát (co rút cơ, cứng khớp).
2.2 Thủy châm
Thủy châm với các thuốc vitamin nhóm B, thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, tăng tuần hoàn não... giúp phục hồi thần kinh trung ương, nuôi dưỡng thần kinh ngoại vi, tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose sinh năng lượng trong cơ thể, sinh hồng cầu, tăng cường miễn dịch điều hòa cơ thể, giúp chữa khỏi bệnh và phục hồi các tổn thương.
2.3 Ngôn ngữ trị liệu
Người bệnh sẽ được hồi phục chức năng ngôn ngữ và chức năng nuốt. Khi đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập các bài tập vận động miệng, lưỡi; các bài tập nhận thức ngôn ngữ, tập phát âm và tập sử dụng lại ngôn ngữ như: Gọi tên các đồ vật, tập đếm, xem ngày tháng năm, miêu tả tranh ảnh, nghe nhạc, nghe hoặc đọc các thông tin ngắn qua báo đài, tập nói từ câu ngắn cho đến câu dài…
Với các người bệnh rối loạn nuốt, các bài tập vận động miệng - lưỡi, bài tập kích thích cảm giác hầu họng... tiếp tục được duy trì; tập nuốt các loại thực phẩm có độ đặc – lỏng khác nhau. Bác sĩ và kỹ thuật viên ngôn ngữ có thể chỉ định sử dụng các chất làm đặc nước để hạn chế uống sặc ở các bệnh nhân có rối loạn nuốt.
2.4 Hoạt động trị liệu
Tại đơn vị hoạt động trị liệu, người bệnh sẽ được tập chức năng bàn tay (như: Tập cầm, nắm các đồ vật có kích thước khác nhau, từ to đến nhỏ, từ nhẹ đến nặng, tập cầm thìa, đũa); các phương thức độc lập hóa trong các vấn đề sinh hoạt hằng ngày như: Ăn, uống, chải răng, rửa mặt, thay quần áo và tập nhận thức để tăng cường trí nhớ, cải thiện khả năng tư duy, đã bị ảnh hưởng sau tổn thương não.
2.5 Vận động
Người bệnh tập ngồi, tập đứng thăng bằng động và tĩnh; tăng khả năng giữ thăng bằng trong không gian; tăng khả năng nhận thức, giúp người có thể tự ngồi, đứng và di chuyển được một cách độc lập.
- Tập thăng bằng tĩnh cơ bản bắt đầu với đứng trên hai chân và thăng bằng bằng hai tay, sau đó chuyển trọng lượng từ chân này sang chân kia và tiến đến trọng lượng dồn hoàn toàn trên một chân trong khi tay dùng chỉ để giữ thăng bằng.
- Tập thăng bằng động trong thanh song song bằng cách đưa người về phía trước, ra sau, sang hai bên. Tập thăng bằng động tăng tiến trên những chân ghế nhỏ hơn bằng gậy bốn chân hỗ trợ, cho đến khi người bệnh có thể chịu trọng lượng trên một chân hoàn toàn với thăng bằng trên một tay hỗ trợ.

Tập thăng bằng động trong thanh song song

- Chuyển trọng lượng và thăng bằng về trước một bước, ra sau một bước, quay sang bên này và bên kia phải được tập cho đến khi người bệnh thực hiện một cách tự động.
- Tập với nhạc nhịp điệu hàng ngày như: Nâng một chân, nâng một tay, nâng tay và chân đồng thời, bước về phía trước, bước ra sau, gấp gối, thẳng gối sẽ tạo ra nội trình điều hợp cơ bản trong mẫu đi.
Khi đi, thăng bằng được di chuyển và tái thành lập trong mỗi bước. Duy trì thăng bằng đòi hỏi sự phối hợp một cách tự động các hoạt động điều hợp của nhiều cơ không chỉ ở các khớp của các chi mà còn của cổ và thân nữa.
- Tập vận động theo tầm ở các khớp.
- Vận động tăng tiến từ thụ động đến có trợ giúp và chủ động.
3. Những lưu ý dành cho người viêm não Nhật Bản khi tập luyện
Người bệnh viêm não Nhật Bản cần tập luyện theo hướng dẫn của các bác sĩ và kỹ thuật viên. Để châm cứu đúng huyệt, đúng thời gian, người bệnh nên thực hiện châm cứu, bấm huyệt hỗ trợ phục hồi di chứng sau viêm não tại các các cơ sở y tế uy tín, cán bộ y tế được đào tạo bài bản.
Trước khi tập vật lý trị liệu, tập vận động không nên ăn quá no. Không thực hiện cho người có thể trạng không chịu được đau hay không chịu được tác động của biện pháp. Khi có biểu hiện bất thường cần thông báo với các bác sĩ và kỹ thuật viên.
Đối với các trường hợp đặc biệt như mắc kèm theo bệnh đái tháo đường hoặc người bệnh đang trong giai đoạn tinh thần không ổn định… cần được thăm khám cụ thể trước khi tiến hành trị liệu.

BS. Nguyễn Thu Hoài
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan