Backgroup Default
Chủ nhật, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Bệnh truyền nhiễm
Ngày đăng:  31/10/2023, Lượt xem: 210

Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với những tổn thương đến hệ thần kinh vô cùng nghiêm trọng. Căn bệnh này sẽ thường xuất hiện vào mùa hè. Vậy, nguyên nhân gây bệnh là do đâu và làm thế nào để phòng được bệnh này?.

Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một căn bệnh nguy hiểm do vi rút viêm não Nhật Bản (JEV) gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng viêm não đặc hữu được chẩn đoán nhiều nhất trên thế giới. Nó gây viêm nặng ở hệ thần kinh trung ương (CNS) và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 6 tuổi ở các vùng lưu hành bệnh và cả trẻ em, người lớn ở các vùng không lưu hành.

Tỷ lệ tử vong của VNNB là khoảng 25 đến 30% và khoảng 30 đến 50% số người sống sót sau VNNB phải chịu hậu quả về thần kinh lâu dài, gây gánh nặng đáng kể cho sức khỏe cộng đồng và xã hội.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm não Nhật Bản

Vi rút viêm não Nhật Bản (JEV), một loại vi rút flavivirus, có liên quan chặt chẽ với vi rút viêm não West Nile và St. Louis. Vi rút viêm não Nhật Bản lây truyền sang người qua vết đốt của loài muỗi Culex bị nhiễm bệnh, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus .

Vi rút này được duy trì theo chu kỳ giữa muỗi và vật chủ là động vật có xương sống, chủ yếu là heo và chim lội nước. Muỗi hút máu của heo, sau đó đốt sang người sẽ truyền vi rút sang người. Đến nay, đây là con đường duy nhất lây nhiễm viêm não Nhật Bản. Hiện chưa ghi nhận lây truyền từ người sang người.

Sự lây truyền vi rút viêm não Nhật Bản xảy ra chủ yếu ở các vùng nông nghiệp nông thôn, thường liên quan đến sản xuất lúa gạo và tưới tiêu ngập nước. Ở một số khu vực ở Châu Á, những tình trạng này có thể xảy ra gần các trung tâm đô thị.

Ở các vùng ôn đới của châu Á, vi rút viêm não Nhật Bản lây truyền theo mùa. Bệnh ở người thường đạt đỉnh điểm vào mùa hè và mùa thu. Ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, sự lây truyền có thể xảy ra quanh năm, thường đạt đỉnh điểm vào mùa mưa.

Di chứng viêm não Nhật Bản

Bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu, loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Ngoài ra, những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần,...

Ở cuối tuần thứ 2 trở đi khi bị viêm não Nhật Bản là thời điểm của những biến chứng và di chứng muộn. Các biến chứng muộn mà bạn có thể gặp đó là: loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Các di chứng muộn có thể gặp là động kinh, rối loạn thâm thần, nghe kém hoặc điếc,…

Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị, do vậy việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản chính là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt. Có 4 loại vắc xin phòng VNNB chính hiện đang được sử dụng: vắc xin bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vắc xin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero, vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin tái tổ hợp sống (chimeric). 

Dựa vào liều lượng và thời gian tái chủng có thể tùy thuộc vào từng quốc gia và từng loại vắc xin sử dụng. Ví dụ ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản với 3 liều cơ bản:

Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.

Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.

Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm.

Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ quá 15 tuổi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chủ động thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, mắc mùng khi đi ngủ để tránh bị muỗi đốt, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, ăn chín, uống nước đun sôi để nguội.

Dược sĩ Nguyễn Thư

Bài viết liên quan