Backgroup Default
Thứ tư, 15/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em
Ngày đăng:  27/03/2024, Lượt xem: 118

Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 432.000 ca tử vong vì tiêu chảy do sử dụng thực phẩm bẩn và kém vệ sinh.
Tiêu chảy là tình trạng tiêu phân lỏng có nước > 3 lần/ngày. Tiêu chảy cấp rất hay gặp ở trẻ em và là một trong 5 bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển, chủ yếu do mất nước và điện giải.
Tiêu chảy cấp ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân, đa số là siêu vi và thường tự giới hạn trong vòng 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy có thể kèm theo đau bụng, nôn ói, sốt, ăn uống kém... dẫn đến mất nước, mất các chất điện giải và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Trẻ bị tiêu chảy do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do thức ăn vệ sinh kém.
- Cho trẻ ăn thức ăn bị ôi thiu.
- Thức ăn không được bảo quản tốt để ruồi nhặng đậu vào.
- Không rửa tay trước khi ăn.
- Dụng cụ cho trẻ ăn không được rửa sạch như: Bát, đĩa, cốc, chén.
- Không đảm bảo vệ sinh trong quá trình cho trẻ ăn thêm bằng sữa bò.
Do một số nguyên nhân khác:
- Trẻ bị thiếu men gây rối loạn tiêu hóa.
- Thực hành ăn dặm chưa đúng cách, ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn mới lạ trong một lúc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 88% trường hợp tử vong liên quan đến tiêu chảy là do nước không an toàn, vệ sinh không đầy đủ và không đủ vệ sinh. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp và gây ra khoảng 40% nhập viện vì tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.
Biểu hiện khi trẻ bị tiêu chảy
Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước mùi tanh hoặc chua, không có máu hoặc mũi lẫn trong phân. Tùy theo số lần đi ngoài trong ngày mà biểu hiện các dấu hiệu mất nước khác nhau. Có 3 mức độ mất nước:
Độ 1: Trẻ chỉ khát nước, khô môi, quấy khóc, lượng nước tiểu hàng ngày bình thường. Cha mẹ cần lưu ý, quan sát thấy mắt của trẻ khô, khi khóc chảy rất ít nước mắt hoặc không có nước mắt.
- Khô miệng.
- Tiểu ít hơn bình thường. Đối với những trẻ nào sử dụng quần tã, khi kiểm tra thấy tã ít ướt hơn lúc bình thường.
- Trẻ trở nên kém linh hoạt và dễ cáu gắt.
Độ 2: Trẻ khát nước nhiều, độ co giãn da kém, lượng nước tiểu giảm. Cha mẹ cần quan sát, trẻ thấy xuất hiện hiện tượng mắt trũng.
- Trẻ lờ đờ hoặc li bì.
- Sờ thấy da trẻ bị khô và kém đàn hồi.
Độ 3: Da nhăn nheo, mắt trũng sâu, thóp trũng, môi khô, khát nước nhiều, vật vã, tiểu ít. Tiêu chảy mắc phải ở trẻ nhũ nhi trên 3 tháng tuổi và trẻ lớn kéo dài trong 2 ngày liên tục hoặc hơn. Cha mẹ cần lưu ý, ở trẻ nhũ nhi có hiện tượng thóp trũng (thóp là một vùng nhỏ, mềm trên đỉnh đầu của trẻ).
- Trẻ không đi tiểu (vô niệu) trong vòng 6 giờ.
- Nếu sử dụng 2 ngón tay căng nhẹ vùng da bất kỳ trên người trẻ rồi thả ra, da trẻ không thể trả về hình dạng ban đầu do mất khả năng đàn hồi.
- Rất lờ đờ, li bì hoặc có thể bị bất tỉnh, hôn mê.

Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?
Không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng cần mang trẻ tới bệnh viện. Với những trẻ mất nước ở mức độ nhẹ (trẻ tỉnh táo, uống nước bình thường, không bị nôn trớ nhiều, khóc có nhiều nước mắt, miệng lưỡi trẻ ướt, trẻ đi tiểu nhiều) gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà, dự phòng mất nước bằng cách bù lượng nước tương đương với lượng nước trẻ mất trong phân sau mỗi lần đi ngoài.
Phòng suy dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ bằng cách tích cực cho trẻ ăn chế độ ăn như khi trẻ bình thường, không kiêng khem và không nên thay đổi thành phần thức ăn của trẻ.
Kiêng khem quá mức sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu năng lượng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, không đủ năng lượng để chống đỡ với nhiễm trùng trong cơ thể cũng như chậm hồi phục tổ chức ruột bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy kéo dài khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển. Các gia đình chỉ cần tạm ngưng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có ga và thức ăn quá ngọt…
Nếu trẻ mất nước ở mức độ vừa và nặng cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và theo dõi tỉ mỉ hơn. Hoặc trẻ có các biểu hiện đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục). Nôn tái diễn, nôn nhiều làm trẻ không ăn, uống được; bệnh trẻ nặng hơn, có sốt hoặc sốt cao hơn. Trẻ rất khát nước; ăn, uống kém hoặc bỏ bú. Trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà… cũng cần nhập viện ngay.
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Để phòng tránh và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý:
Với trẻ sơ sinh cần nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Trẻ trên 6 tháng cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú thường xuyên và bú lâu hơn.
Có chế độ ăn hợp lý, nấu theo khẩu vị của trẻ và đảm bảo vệ sinh khi chế biến. Sử dụng nguồn nước sạch và các thực phẩm tươi sống khi chế biến. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn.
Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, đặc biệt các mẹ cần phải rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tã.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và uống vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus.

BS. Nguyễn Lê Thanh
Nguồn:suckhoevadoisong

Bài viết liên quan