Backgroup Default
Thứ năm, 3/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em
Ngày đăng:  05/02/2024, Lượt xem: 140

Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây ra những biến chứng về sức khỏe ảnh hưởng tới cả bà mẹ và thai nhi.
Phụ nữ mang thai nếu đã có tiền sử đái tháo đường thai kỳ cần cẩn trọng hơn. Bởi với những người đái tháo đường thai kỳ (mang thai đường huyết tăng) hoặc mắc đái tháo đường sau đó cần kiểm soát đường máu tốt để tránh những biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.
Đái tháo đường ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ được chia làm 2 trường hợp bao gồm: Những người đã mắc đái tháo đường sau đó mang thai và những phụ nữ mang thai gặp tình trạng đường huyết tăng cao.

BSCKII. Lê Thị Phương Huệ - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn

Đái tháo đường thai kỳ chủ yếu xảy ra khoảng từ 3 tháng giữa đến 3 tháng cuối của thai kỳ. Bệnh hoàn toàn mất sau khi người mẹ sinh con.
Theo thống kê, cứ 7 người phụ nữ mang thai lại có một người bị đái tháo đường thai kỳ. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ, đái tháo đường thai kỳ còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Phụ nữ mang thai có đái tháo đường thai kỳ nếu kiểm soát tốt đường huyết trong mục tiêu khuyến cáo khi mang thai hoàn toàn có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh, bình thường.
Còn với những trường hợp đã mắc đái tháo đường mang thai nhưng để đường huyết tăng cao có thể gây ra những biến chứng lên cả mẹ và thai nhi. Đối với người mẹ, khi đường huyết tăng cao có thể dẫn tới hôn mê do nhiễm toan ceton. Bên cạnh đó, có thể những biến chứng khác như: Tiền sản giật, tăng huyết áp…

Phụ nữ mang thai có chế độ ăn không cân bằng dẫn tới rối loạn chuyển hóa như: Ăn quá nhiều tinh bột, carbohydrate, hoa quả…

Ngoài ra, thai nhi cũng bị ảnh hưởng khi đường huyết cao không kiểm soát được. Trong 3 tháng đầu, nếu người mẹ không kiểm soát tốt đường huyết có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ như dị tật tim. Ở thời kỳ thai kỳ sớm, có thể gây sẩy thai, thai lưu. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, nếu đường huyết không kiểm soát tốt có thể gây tình trạng thai to hoặc những chấn thương trong quá trình sinh như: Mắc vai, gãy xương đòn. Sau khi sinh, em bé có thể bị hạ đường huyết sau sinh, hạ canxi hay tăng bilirubin máu đa hồng cầu…. Thậm chí có những trường hợp khó thở, suy hô hấp.
Nếu mẹ bầu phát hiện được tình trạng tăng đường huyết khi mang thai hoặc những phụ nữ mắc đái tháo đường mà có thai vẫn có thể đảm bảo sức khỏe sinh sản cho cả mẹ và bé nếu như: Thăm khám định kỳ và kiểm soát được đường huyết tốt.
Lưu ý: Ngoài những ảnh hưởng trong thai kỳ và sau sinh, nếu không kiểm soát tốt đường huyết, trẻ em sinh ra có thể bị những ảnh hưởng lâu dài như: Làm tăng nguy cơ mắc béo phì và những trẻ em này cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường về sau.

Nếu phụ nữ mang thai phát hiện đái tháo đường thai kỳ cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường?
Tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang có xu hướng tăng và trong tương lai sẽ tăng dần do số người béo phì ngày càng nhiều hơn. Những đối tượng cần thăm khám và tầm soát định kỳ để phát hiện đái tháo đường là:
- Trong gia đình có người mắc đái tháo đường.
- Người có thể trạng béo phì, chỉ số BMI cao.
- Người mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như rối loạn mỡ máu hay tăng huyết áp.
- Phụ nữ trên 25 tuổi, có các bệnh lý sản phụ khoa như: Tiền sản giật, thai lưu, khó có thai, buồng trứng đa nang, từng sinh thai to (trên 4kg),…
Đái tháo đường hay đái tháo đường thai kỳ khó phát hiện sớm, thường phát hiện thông qua các xét nghiệm. Do đó, khi phụ nữ có ý định mang thai hoặc trong quá trình mang thai cần thăm khám theo chỉ định để phát hiện sớm và điều trị nếu có.
Nếu phụ nữ mang thai phát hiện đái tháo đường thai kỳ cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát tốt đường huyết.

BSCKII. Lê Thị Phương Huệ
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan