Backgroup Default
Thứ sáu, 3/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em
Ngày đăng:  29/01/2024, Lượt xem: 460

Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc khiến nhiều cha mẹ lúng túng, có thể gây nhiều áp lực, nhất là với bố mẹ còn trẻ. Tuy nhiên, đối với trẻ đó lại là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ cảm nhận được hơi nước ấm trên da và gắn kết tình cảm với bố mẹ.
Tắm cho trẻ sẽ có nhiều lợi ích đem lại, đầu tiên tắm giúp trẻ sạch sẽ, loại bỏ những bụi bẩn, tác nhân có thể gây nhiễm trùng da. Tắm sẽ đem lại cho trẻ cảm giác dễ chịu, cơ thể nhanh tuần hoàn máu nuôi dưỡng da, có thể loại trừ được mệt mỏi, quấy khóc, nâng cao sức đề kháng của trẻ.
Đây cũng là dịp kiểm tra toàn diện về da của trẻ xem có hiện tượng gì khác lạ không, vì rất nhiều bệnh truyền nhiễm đều được biểu hiện bằng các nốt mẩn, mụn nổi trên da.
Khi nào trẻ sơ sinh được bắt đầu tắm?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, sau khi sinh 24 giờ hãy tắm cho trẻ hoặc ít nhất là 6 giờ, vì nếu tắm cho trẻ ngay sau khi sinh sẽ khiến trẻ dễ hạ thân nhiệt và hạ đường máu; làm gián đoạn việc gắn kết da kề da với mẹ, gián đoạn việc bú mẹ. Chất gây là 1 chất màu trắng, phủ lên da trẻ, như là 1 chất làm ẩm và chống lại vi trùng, nếu tắm sớm sẽ làm khô da và da trẻ dễ bị kích ứng hơn.
1. Nên tắm cho trẻ sơ sinh trong bao lâu và có cần tắm hàng ngày?
Nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ sơ sinh có cần tắm hàng ngày khi về nhà hay không? Vì khi ở cơ sở y tế thì bé đã được nhân viên y tế tắm và chăm sóc. Thực tế là trẻ không cần tắm hàng ngày, vì trẻ sơ sinh hiếm khi đổ mồ hôi.
Nếu là mùa hè, mẹ có thể tắm cho trẻ một ngày một lần, vì mùa hè nóng nực trẻ thường ra nhiều mồ hôi, cơ thể bị dớp dính, nên lúc tắm là khoảng thời gian thích thú nhất của trẻ. Mẹ có thể tắm cho trẻ lâu hơn một ít, từ 5 - 10 phút là thích hợp.
Còn nếu là mùa đông, mẹ chỉ nên tắm cho trẻ sơ sinh từ 2 - 3 ngày 1 lần vì mùa lạnh trẻ ít ra mồ hôi và trẻ cũng không bẩn như các mẹ nghĩ, nếu trẻ nôn trớ mẹ có thể lau người thường xuyên cho con.
Nếu không tắm hàng ngày, mẹ hãy lau người cho con, đây chính là lúc mẹ kiểm tra cơ thể trẻ xem con có bị hăm, bị nổi mẩn đỏ, bị côn trùng đốt không. Theo AAP - Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh chỉ cần tắm 3 lần/tuần là đủ, tắm nhiều làm khô da trẻ hơn.

Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc khiến nhiều cha mẹ lúng túng. Ảnh minh hoạ

2. Thời điểm tắm cho trẻ sơ sinh
Bố mẹ có thể tắm cho trẻ bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, nên tắm cho trẻ khi có ánh nắng ấm áp, tốt nhất là vào khoảng 10 - 11 giờ sáng hoặc từ 15 - 16 giờ chiều. Nếu trẻ không bị quá đói hoặc quá mệt, sẽ giúp trẻ hứng thú với việc được tắm.
3. Các bước tắm cho trẻ sơ sinh
- Đặt trẻ lên một mặt phẳng, cởi hết quần, áo, tã giấy, nhẹ nhàng bế trẻ đến vị trí đặt chậu tắm.
- Tay trái đỡ gáy trẻ, tay phải nhúng ướt khăn, vắt khăn, lau sạch mặt, đặc biệt là vùng mắt, hai lỗ tai.
- Làm ướt tóc trẻ, xoa dầu gội cho đều. Dùng khăn rửa sạch dầu gội trên đầu trẻ.
- Từ từ thả trẻ vào chậu tắm, nhưng tay trái vẫn đỡ phần cổ của trẻ.
- Làm ướt mình, xoa sữa tắm khắp người, tránh chạm vào vùng rốn.
- Nhấc trẻ lên và chuyển vào chậu tắm 2 chứa nước sạch. Rửa sơ qua các bộ phận một lần nữa.
- Sau đó bế trẻ ra ngoài, đặt lên khăn khô đã trải sẵn.
4. Các lưu ý khác khi tắm cho trẻ sơ sinh
Quấn trẻ vào khăn và thấm khô người trẻ từ đầu xuống chân, kể cả bộ phận sinh dục. Dùng tăm bông lau khô vành tai trẻ. Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào gòn của tăm bông để làm vệ sinh cuống rốn và xung quanh cuống rốn.
Mặc tã cho trẻ, tránh tã cọ sát vào rốn. Luôn phải kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cùi chỏ hoặc mặt trong của cổ tay trước khi tắm, đảm bảo nhiệt độ nước tắm cho trẻ đủ ấm, tránh nóng bỏng cho trẻ. Nhiệt độ phòng khi tắm cho trẻ tốt nhất là 27 độ C. Mực nước tắm trong thau vừa tầm vai trẻ (5 - 10 cm).
Lưu ý, cần chuẩn bị đồ cho trẻ mọi thứ bạn cần trong tầm tay: Khắn tắm, khăn lau, sữa tắm, quần áo, tã sạch. Tránh sử dụng sữa tắm có nhiều chất tẩy rửa, nên chọn đồ dùng cho trẻ sơ sinh vì nếu không sẽ làm khô da trẻ.
Không đổ thêm nước khi trẻ đang tắm, tránh tình trạng lạnh quá hay nóng quá. Nếu bố mẹ chưa thành thạo việc tắm cho trẻ, thì nên có người hỗ trợ có kinh nghiệm như ông bà.

BS. Nguyễn Thị Bích
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan