Backgroup Default
Thứ bảy, 5/1/2025
TRANG CHỦ    Kiến thức y khoa    Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em
Ngày đăng:  30/12/2024, Lượt xem: 19

Nhiều người cho rằng, cà tím độc cho phụ nữ mang thai. Vậy thực hư thế nào? Người mang thai có nên ăn cà tím không?
Cà tím, hay còn gọi là cà dái dê, là một loại rau quả quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt.
Cà tím không chỉ thơm ngon mà còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất phong phú, bao gồm: Vitamin B1, B2, C, canxi, kali, sắt, và chất xơ. Cà tím cũng rất ít calo, nên giúp giảm nguy cơ tăng cân quá mức.
Ngoài ra, cà tím còn chứa anthocyanin, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch cho mẹ bầu.

Cà tím có nhiều lợi ích đối với phụ nữ mang thai

1. Cà tím có lợi ích gì với phụ nữ mang thai
Hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón cho phụ nữ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ thường gặp tình trạng táo bón do sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ tử cung lên ruột. Cà tím chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện nhu động ruột. Điều này không chỉ giúp giảm táo bón mà còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó, các vitamin như: B1, B2, C trong cà tím cũng hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Kiểm soát huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch của mẹ bầu
Tăng huyết áp là một nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật. Cà tím giàu kali và rất ít natri, hỗ trợ cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ chức năng tim mạch. Ngoài ra, kali còn đóng vai trò quan trọng trong việc đông máu, giúp ngăn ngừa nguy cơ chảy máu khi sinh.
Anthocyanin, một hợp chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ có trong vỏ cà tím có tác dụng bảo vệ các mạch máu khỏi tổn thương do gốc tự do, giảm viêm và bảo vệ tim mạch. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ bầu mà còn hỗ trợ sự phát triển của hệ tim mạch ở thai nhi.
Kiểm soát nguy cơ tăng đường huyết ở mẹ bầu
Chất xơ dồi dào và ít carbohydrate hòa tan trong cà tím giúp hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra, polyphenol trong cà tím cũng giúp kiểm soát lượng đường huyết của mẹ bầu. Do đó, mẹ bầu hạn chế được tình trạng dung nạp quá mức glucose, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng trong thai kỳ
Cà tím chứa rất ít calo nhưng lại giàu chất xơ, giúp tạo cảm giác no lâu mà không làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể. Điều này rất hữu ích cho những mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng hoặc muốn ngăn ngừa tăng cân quá mức trong thai kỳ.
Ngoài ra, việc duy trì cân nặng hợp lý không chỉ giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn mà còn giảm nguy cơ mắc các biến chứng như: Đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp hoặc sinh khó.

Phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá nhiều cà tím

2. Những lưu ý khi sử dụng cà tím trong thai kỳ
Một trong những mối quan tâm chính khi ăn cà tím trong thai kỳ là sự hiện diện của solanin, một hợp chất tự nhiên có trong các loại rau củ thuộc họ cà. Solanin có thể gây ngộ độc nếu tiêu thụ với lượng lớn, dẫn đến các triệu chứng như: Buồn nôn, đau bụng, và tiêu chảy.
Tuy nhiên, solanin chủ yếu có mặt trong vỏ cà tím và khi cà tím được nấu chín kỹ, lượng solanin sẽ giảm đi đáng kể. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể ăn cà tím nếu được chế biến đúng cách, chẳng hạn như: Nướng, xào hoặc hầm và tránh ăn cà tím sống.
Ngoài ra, hàm lượng phytohormone trong cà tím khá cao có khả năng kích thích kinh nguyệt, điều trị vô kinh. Cà tím còn chứa hợp chất toxoplasmosis sẽ gây thúc đẩy chuyển dạ sớm và sinh non nếu mẹ ăn nhiều.
Sử dụng cà tím như thế nào cho đúng cách và an toàn đối với phụ nữ mang thai?
- Nên chọn mua cà tím có vỏ mịn, sáng bóng, cuống tươi dính chặt vào phần quả.
- Rửa sạch và ngâm cà tím thái lát trong nước muối pha loãng trước khi chế biến để chất nhựa không gây hại cơ thể.
- Mẹ bầu mắc bệnh dạ dày, xương khớp hoặc thận không nên ăn cà tím để tránh bệnh nghiêm trọng hơn, vì tính axit cao có thể khiến bà bầu bị khó chịu dạ dày, kích hoạt các vấn đề về axit trong cơ thể.
- Thai phụ có tiền sử dị ứng không nên ăn cà tím vì một số loại protein trong cà tím có thể gây ngứa da.
- Mỗi tuần, mẹ chỉ nên ăn cà tím 2 - 3 ngày và mỗi lần ăn từ 100 đến 200g.
Cà tím là một thực phẩm an toàn và bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai nếu được ăn ở mức độ hợp lý và được chế biến đúng cách. Với các lợi ích về dinh dưỡng, chất xơ và các chất chống oxy hóa, cà tím có thể hỗ trợ tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, các bà bầu cần chú ý không ăn quá nhiều và luôn đảm bảo cà tím được nấu chín kỹ trước khi tiêu thụ.

BSNT. Phan Bích Hằng
www.suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan